HÀNH ĐỘNG CỰC THÁNH TẠI NƠI CỰC THÁNH

Khoảng năm 150 công nguyên, một học giả tên Justinus đã dâng lên hoàng đế Antonius Pius một thỉnh nguyện thư nhằm bảo vệ người Ki-tô giáo. Nhờ thư đó ta biết được việc cử hành thánh lễ thời đó. Thư viết : “Vào ngày gọi là Chúa nhật, mọi người trong thành và ở miền quê tụ tập nhau lại. Họ đọc lên cho nhau nghe những điều đáng suy nghĩ của các tông đồ hoặc sách các tiên tri, lâu hay mau tuỳ theo thì giờ họ có. Sau khi nghe xong, người chủ trì yêu cầu mọi người hãy noi theo những điều tốt trong các bài đọc. Sau đó tất cả chúng tôi đứng dậy và cầu nguyện. Sau cầu nguyện, bánh, rượu và nước được mang tới ; người chủ trì lớn tiếng dâng lên lời nguyện và cảm tạ, và dân chúng đồng thanh thưa Amen. Tiếp đó là phần chia các tặng vật. Mỗi người được lãnh một phần của thánh đó. Ai vắng mặt, các phó tế sẽ mang tới cho. Của ăn đó giờ đây gọi là lễ tạ ơn (Eucharistie). Được phép tham dự chỉ những ai coi giáo lýchúng tôi là đúng, đã được tẩy sạch tội lỗi và tái sinh trong bể nước, và sống theo như Đức Ki-tô đã dạy”. Cho tới ngày nay, sau 2000 năm, nghi thức đó xem ra vẫn không đổi ?

Vâng, đó là cơ cấu nền tảng của thánh lễ, mặc dù ngày nay một số chi tiết đã được phát triển thêm.

Có lẽ phải cần một thời gian nào đó để hiểu rằng đằng sau các nghi thức kia còn có một cái gì hơn thế nữa. Cũng như chỉ khi ta đứng từ bên trong nhà thờ mới thấy các tranh kính màu trên cửa sổ nhà thờ rạng sáng. Trước hết, ngài có thể giải thích cho tôi hay về diễn tiến của một thánh lễ ?

Trước hết là phần bài đọc. Người ta tụ họp nhau lại để lắng nghe và nhận lãnh bài đọc, đúng như những gì đã xẩy ra trong Giáo Hội sơ khai gần núi Si-nai. Các bài đọc nói tới trong thư trên là của các tiên tri và các thánh sử. Chúng giữ chỗ quan trọng trong thánh lễ, vì, như người ta nói, người ta muốn lắng nghe tiên tri, các tông đồ và Đức Ki-tô. Tiên tri ở đây là toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Tông đồ là các tông thư và Đức Ki-tô là tin mừng Tân Ước. Như thế, lời Chúa có thể nói gồm ba phần. Justinus viết, sau đó là phần cảnh cáo của vị chủ trì, điều này có nghĩa là có phần giải thích ý nghĩa bài đọc, bởi vì lời Chúa do những người không gần gũi với ta viết, nên muốn hiểu cần phải được diễn giảng.

Sau phần căn bản đó của thánh lễ: tụ tập nhau nghe lời Chúa, lời đổi mới, sửa dạy và khai sáng ta, mới đến phần thực sự là lễ tạ ơn. Phần này cũng chia ra ba giai đoạn. Trước hết giai đoạn chuẩn bị của lễ, bánh và rượu. Phần này tượng trưng cho việc ta dâng tạo vật lên cho Chúa. Tiếp đó là lời nguyện cảm tạ. Có nghĩa là vị giám mục hay linh mục đọc lên những gì mà  Đức Giê-su đã nói ra trong đêm trước ngày chịu nạn. Đó là bài ca lớn ngợi khen Thiên Chúa. Bài ca bao gồm việc cảm tạ Chúa Ki-tô, đồng thời nhắc nhớ lại những gì Ngài đã nói và làm trong những giờ cuối của Ngài – và như thế, bánh và rượu không còn là của lễ của ta nữa, mà biến thành của lễ của Chúa Ki-tô, qua đó Ngài thực sự hiện diện đúng như những lời trong bữa tiệc li. Justinus là một tác giả cổ, ông viết rằng các của lễ đã “trở thành tạ ơn” (eucharistiert). Nói khác đi, bánh không còn là bánh, nhưng thành thịt Đức Ki-tô. Rượu chẳng còn là rượu, mà là máu Đức Ki-tô. Của lễ như vậy đã biến thành Lời sống động, thành lời của Đức Ki-tô, lời cảm tạ của Thiên Chúa.

Cuối cùng, qua cảnh phân phối quà chung góp, Justinus nói tới việc rước lễ và đề ra những điều kiện. Ông cho hay, đây là thánh lễ của những người đã tin. Như Chúa Ki-tô xưa trong bữa tiệc li đã chia sẻ với nhóm mười hai như thế nào, thì nay thánh lễ là cuộc tụ họp của những ai đã tin vào Đức Ki-tô, đã qua phép rửa trở thành Giáo Hội. Xem thế thì điều kiện tham dự cũng như cơ cấu cuộc lễ đã được hình thành hoàn chỉnh từ xa xưa rồi, và tới nay nói chung vẫn không thay đổi.

Thánh lễ được xem là hành động cực thánh nhất trần gian diễn ra nơi cực thánh nhất trần gian. Trong bí tích đó có thịt, máu, hồn và cả thiên tính của  Đức Giê-su. Tôi muốn hỏi thêm một câu thật cụ thể : Phải chăng, với nghi thức trên, mỗi ngày thật sự diễn ra một phép lạ mới ? Việc bánh rượu trở thành mình máu chỉ có thể là một hình ảnh biểu tượng mà thôi.

Không. Giáo Hội xác tín rằng  Đấng Phục Sinh hiện diện thực sự trong đó. Điểm này hẳn đã là đề tài gây tranh luận trong nhiều giai đoạn lịch sử của Giáo Hội. Cuộc tranh luận lớn đầu tiên xẩy ra trong buổi đầu thời Trung cổ, cuộc thứ hai trong thế kỷ16. Trong lần sau, Luther vẫn công nhận sự biến hình, trong khi Calvin và Zwingli* cho rằng đó chỉ là biểu trưng, nhưng mỗi người diễn giải mỗi cách, vì thế mà có sự phân rẽ lớn trong nội bộ phong trào Cải cách.

Nhưng Luther tin Chúa hiện diện chỉ trong chốc lát lúc truyền phép mà thôi, còn Giáo Hội công giáo tin rằng Chúa tiếp tục ở lại trong của lễ. Bởi vì, nếu bánh và rượu đã “biến hình” thật sự, như vậy nếu của lễ của con người đã biến thành của lễ Đức Ki-tô, thì hẳn Chúa cũng đã chiếm hữu hoàn toàn của lễ ấy. Vấn đề này lại được mang ra tranh luận trong thế kỷnày. Nhưng dù có nhiều nhà chú giải Kinh Thánh công giáo không đồng quan điểm với nhau, thì vẫn có những nhà chú giải không công giáo như Käsemann nhất mực bảo vệ sự hiện diện thật sự của Chúa. Ông cho hay, điều đó chính Kinh Thánh đã nói và đã trình bày rõ. Và trên thực tế, Kinh Thánh – và cả lưu truyền của Giáo Hội nữa – đã nói rất rõ : Chúa Ki-tô không những trao cho ta những biểu tượng, mà còn thật sự trao cho ta chính mình Ngài. Điều đó có nghĩa : rước lễ là một cuộc gặp gỡ giữa người với người ; qua đó Chúa Ki-tô đi vào trong tôi và tôi được vào trong Ngài.

Nhưng ai cũng thấy là rượu vẫn còn nguyên rượu…

Đó không phải là một phát biểu vật lí. Chưa bao giờ Giáo Hội xác quyết rằng, có một cái gọi là biến đổi vật lí sẽ xẩy ra. Biến hình ở đây mang một chiều sâu khác. Truyền tụng bảo rằng đó là một hành vi siêu hình. Bánh và rượu thuần vật lí đã được Chúa Ki-tô chiếm lấy và làm chúng biến đổi trong tận cùng sâu thẳm, và Chúa thực sự đã hiện mình trong đó.

Và khi một người rước mình thánh Chúa bằng cách đó, bí tích cực thánh này sẽ tác động thế nào trên người đó ? Hoặc ít ra nó có thể tác động ra sao?

Cả ở đây nữa, chúng ta cũng nên bỏ đi lối suy nghĩ xem mọi chuyện đều là phép lạ hoặc ma thuật. Đây là một diễn biến nội tâm cá nhân.  Đấng Phục Sinh, mà giờ đây đang hiện diện trong bánh rượu kia, không phải là một sự vật. (Chữ “thịt và máu” luôn nói lên tính cách toàn thể của đấng Nhập thể, đấng vẫn giữ nguyên hình hài con người trong thế giới mới của phục sinh). Tôi không rước lấy một phần Chúa Ki-tô. Hiểu như thế quả là vô lí, nhưng đây là một diễn biến nội tâm. Chính Ngài tỏ lộ cho tôi và muốn đồng hoá tôi làm một với Ngài.

Thánh An-tịnh tin rằng ngài đã nghe câu này trong một thị kiến :”Hãy ăn ta, ta là bánh của kẻ mạnh”. Với câu đó,  Đức Giê-su muốn nói một điều trái ngược với sự thường. Khi ta ăn gì, của ăn đó bị tiêu tán và trở thành một phần của cơ thể ta. Nhưng với  Đức Giê-su thì khác : Ăn Ngài vào thì Ngài sẽ hoà tan ta vào trong Ngài. Ngài là kẻ mạnh hơn, Ngài sẽ đồng hoá ta vào Ngài. Như đã nói, đó là một diễn biến nội tâm. Trong cuộc trao đổi này, ta là người được nhận lãnh. Ta được trở nên ngang bằng với Chúa, được trở nên giống như Ngài. Và đây mới chính là quá trình giao tiếp: Ta để cho Chúa kéo vào Ngài, kéo vào chung làm một với Ngài, và rốt cuộc nhờ đó tâm hồn ta được trở nên giống Ngài.